Bạn phải đi và lựa chọn
Khi bạn đi rồi và có năng lực đủ cao thì bạn có quyền lựa chọn. Nhiều người đi làm bên Nhật, lương rất cao so với Việt Nam, nhưng thường xuyên kêu chán. Lúc này, bạn tích lũy một thời gian là để về Việt Nam lập nghiệp. Có điều, chỉ e rằng một số bạn vẫn muốn làm với mức lương bên Nhật nhưng lại muốn có nhiều bạn bè và thời gian ăn chơi như ở Việt Nam mà thôi. Bạn có thể làm như thế, nếu năng lực của bạn rất cao.
Rủi ro: Nô lệ của mức lương
Nếu bạn đi làm ở nước ngoài nhận mức lương rất cao, nhưng cảm thấy cuộc sống chán vì đi làm quần quật không có thời gian vui chơi, ít bạn bè, không có cơ hội kiếm người yêu... dù thấy bế tắc nhưng bạn không dám từ bỏ mức lương mình đang có. Đây gọi là “Nô lệ của mức lương”, một hiện tượng có ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, để sống tốt thì đôi khi bạn phải từ bỏ thôi. Bạn không từ bỏ, không thay đổi thì cái “chán” không thể nào mất đi được.
Vì vậy, khi đủ an toàn về tài chính rồi thì bạn nên thay đổi. An toàn về tài chính là “có đủ tiền mặt sống ít nhất 1 năm mà không cần làm gì”. Thường đi làm bên Nhật vài năm về Việt Nam bạn có thể sống 4 - 5 năm không cần làm gì là chuyện thường. Tất nhiên, nếu bạn đổ tiền vào đầu tư, hay mua sắm không rút ra được thì lại là chuyện khác.
Nhiều người sang Nhật chỉ đi làm thêm đã kiếm được 30 - 40 man/tháng (đây là diện sang theo vợ/chồng nên không có giới hạn số giờ làm nhé - khác với các bạn du học bị hạn chế số giờ làm) nên không muốn về Việt Nam mà muốn ở lại kiếm tiền. Điều đó tốt về mặt tài chính, nhưng trong một mức độ nào sẽ bị thui chột, bị hạn chế nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Phải chắc một điều là, bạn không trẻ khỏe mãi để đi làm thêm mãi thế được. Bạn muốn sống nhàn thì phải có kỹ năng nghề nghiệp đủ cao, kiến thức tốt, còn nếu không thì vẫn chỉ là bán sức lực để kiếm sống.
Vì thế, nếu bạn sang Nhật theo dạng du học, thì hãy cố mà học tiếng thật giỏi, làm thêm chỉ để trang trải học phí thôi. Vì khi bạn có ngoại ngữ rồi, cơ hội ở lại Nhật, làm việc ở Nhật hay về Việt Nam thì bạn vẫn có thể sở hữu mức lương cao như thế mà không phải lao động chân tay vất vả. Khi có kỹ năng nghề nghiệp ở một tầm cao mới thì bạn có thể thoát khỏi hiện tượng “Nô lệ của mức lương” đó nhé.
Làm việc dùng tiếng Nhật cũng vậy:
+ Nếu tiếng Nhật không tốt: Không thể xin việc lương cao
+ Tiếng Nhật tốt nhưng chưa tới mức chém gió: Làm việc lương cao nhưng phải căng đầu óc ra nghĩ
+ Tiếng Nhật mức chém gió: Làm việc nhẹ nhàng như tiếng mẹ đẻ vậy
Nhiều người sống bên Nhật không vui vì thậm chí tiếng Nhật họ còn không tốt. Không có ngoại ngữ tốt thì làm sao học kỹ năng cốt lõi? Và làm sao khám phá cuộc sống?
Ai sống bên Nhật vui?
Thường đó là những người yêu thích tiếng Nhật, yêu thích nước Nhật và tính thanh lịch của Nhật Bản. Họ yêu thích ẩm thực Nhật và chịu khó đi khám phá các nơi. Họ chăm chỉ học tiếng, giao tiếp tốt, là người tuân thủ luật pháp... vì vậy Nhật Bản là môi trường dễ chịu với họ. Chẳng khó gì khi ta biết thích ứng với môi trường sống, thay vì kêu ca, không chịu thích ứng thì nơi nào cũng "dễ ghét" thôi.
Chẳng hạn như ăn uống? Món sushi cần phải làm thế nào mới ngon? Phần lớn mọi người không phân biệt được sushi với nhau, chỉ ăn sushi trong siêu thị và kết luận là chả có gì ngon cả. Giống như người nước ngoài qua Việt Nam, mua một trái xoài ngoài chợ, ăn thấy không ngon và kết luận Việt Nam chẳng có trái gì ngon vậy. Chúng ta phải bỏ công ra khám phá thì mới thấy cuộc sống thú vị. Chẳng hạn, phần lớn người Nhật sang Việt Nam chỉ dám quanh quẩn ở khu người Nhật, chỉ ăn đồ ăn Nhật, vào bar, club vui chơi... Những người như thế thì chẳng bao giờ hiểu được nền văn hóa và ẩm thực Việt Nam cả. Muốn hiểu thì phải chịu khó đi ăn ốc, ăn hàng, đi chợ hoa,… thì mới có thể thấy yêu thích cuộc sống ở Việt Nam được.
Chính vì lẽ đó, chúng ta không thể lấy hiện tượng để đánh giá bản chất được, phải tìm hiểu sâu sát lúc đó mới thấy được nó có phù hợp với mình, có đúng với điều mà mình đánh giá không?!
Ai sống ở Việt Nam vui?
Những người cho rằng sống ở Việt Nam thoải mái thì thường là những người có sự ổn định và an toàn về tài chính, tức là có tiền phòng thân rồi. Nếu đi làm quần quật ở Việt Nam thì chắc cuộc sống sẽ không vui vẻ lắm. Nhiều người thấy Việt Nam vui chủ yếu là do họ đã đi nước ngoài và có mức lương cao hơn mặt bằng chung rất nhiều, tức là chỉ “vui” nếu nhìn từ quan điểm của họ thôi.
Nếu bạn định đi du học hay định cư, thì bạn nên ghi nhớ lý do ban đầu của bạn khi đi, vì nhiều khi đi sang đó rồi bạn lại quên béng cái lý do mình sang Nhật và nghĩ là "ở Việt Nam vui lắm”.
Hoặc là nhiều bạn đi du học, về Việt Nam chơi 1 -2 tháng rồi không muốn quay lại bên kia vì nghĩ Việt Nam vui hơn. Nhưng cần nhớ cái “vui” này là khi chúng ta về chơi ít ngày, không đi làm,chứ nếu về Việt Nam rồi tất bật đi làm thì nhìn chung nhiều người vẫn chọn không về Việt Nam đâu mà thích ở lại Nhật đi làm kia. Không tin bạn cứ thử hỏi 10 người đi Nhật về xem, số đông người trả lời sẽ cho bạn câu trả lời chính xác.
Kết luận
Cuộc sống ở đâu cũng sẽ dễ dàng vui vẻ nếu:
+ Bạn có kỹ năng cốt lõi
+ Bạn chịu khó học hỏi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
+ Bạn có công việc tốt và nhiều lựa chọn (kể cả lựa chọn sống và làm việc ở nước ngoài)
+ Thế giới quan của bạn rộng (hiểu biết thế giới)
+ Nhân sinh quan của bạn rộng (tránh rơi vào các rủi ro như “Nô lệ của mức lương”)
+ Có người yêu, gia đình...
Cuộc sống vui vẻ hay không là do bản thân chúng ta có tìm cách để cuộc sống ngày càng dễ dàng và vui vẻ hơn hay không mà thôi, tức là chúng ta có đang theo đuổi đam mê, lý tưởng không hay chỉ chạy theo số đông trên một vòng tròn.
Nguồn Báo Nhật - Dịch có chỉnh sửa
______________
DU HỌC TÍN PHÁT