02/01/2020 - 02:54 PM - 1.369
lượt xem
Tuy là quốc gia nằm ở Châu Á, nhưng Nhật Bản lại ăn Tết cổ truyền vào ngày dương lịch. Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873 họ ăn Tết như người phương Tây.
Người Nhật cũng sẽ ăn Tết vào 3 ngày, nhưng mà thông thường nó sẽ kéo dài hơn thế. Vào ngày 31/12 là ngày quan trọng để kết nối một năm cũ và một năm mới, người Nhật dọn dẹp nhà cửa rất sạch sẽ, gọn gàng.
Với mong muốn cầu thật nhiều may mắn trong năm mới, trong ngày này người Nhật làm rất nhiều việc để cầu bình an, chẳng hạn như:
Treo Shimenawa trước cửa nhà với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, những điều may mắn sẽ đến với gia đình. Cách trang trí của shimenawa có thể ở mỗi nhà sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều mang những màu sắc sặc sỡ, ấm cúng, tượng trưng cho những điều tốt lành luôn hiện diện trong gia đình ngưởi chủ nhà.
Đặt Kadomatsu ở cạnh cửa nhà hoặc cửa công ty: Một bó Kadomatsu truyền thống được làm bằng 3 ống tre tươi, vài cành thông được xếp theo số lẻ, và những chi tiết trang trí khác để Kadomatsu được đẹp hơn. Người Nhật quan niệm rằng hạnh phúc không thể chia được và nỗi bất hạnh mới cần phải “chia hết”, đó là lý do mà các cành thông luôn được chia theo số lẻ. Ngoài ra, cây thông là biểu tượng của sự vĩnh hằng, trường cửu, còn cây tre là sự dẻo dai, trưởng thành. Và hai loại cây này có thể thích ứng trong các trường hợp khắc nghiệt tới đâu vẫn xanh tốt, vì thế người Nhật quan điểm rằng khi nhìn thấy hai loại cây này vào dịp năm mới thì mọi người sẽ có sức khỏe tốt và sức sống bất diệt.
Đặt Wakazari trong bếp: Wakazari là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng, và được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Ngoài ra, Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.
Thắp hương cúng tổ tiên và các vị thần: Giống như Việt Nam, người Nhật Bản cũng cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm giao thừa. Nhưng người Nhật không đốt hương và vàng mã như người Việt Nam. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, và được các thần linh phù hộ. Khi ăn sẽ dùng đũa nhọn cả 2 đầu vì cả người và thần sẽ dùng.
Đêm giao thừa các gia đình đều chờ nghe 108 tiếng chuông để đón chào Thần năm mới và để xua đuổi 108 con quỷ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp. Đêm giao thừa cả gia đình vui đón Tết và ăn một loại mỳ truyền thống, có sợi mỳ dài, thể hiện sự trường thọ, sống lâu.
Mồng 1 Tết, người Nhật chuẩn bị bữa ăn sáng với những món ăn được chế biến rất công phu theo truyền thống. Món ăn không chỉ là các món thường ngày như sashimi, sushi, mà còn có những món ăn làm từ hải sản, rau thịt và có cả bánh dày.
Ozoni là tên gọi của món canh mà người Nhật thường ăn vào đầu năm mới. Mỗi một vùng, một gia đình lại có cách chế biến món ăn này khác nhau. Nhưng không thể thiếu trong món canh này là Omochi, đậu hủ, khoai, thịt gà, rau xanh, các loại rau củ màu sắc khác.
Lì xì đầu năm mới (otoshidama): Với quan niệm “xởi lởi trời cho”, “kính lão đắc thọ”, đồng thời mong muốn gửi tặng các em nhỏ những món quà ý nghĩa, người Nhật Bản thường mừng tuổi đầu năm cho các em bé, và người già. Thông thường, các em bé sẽ được nhận những chiếc phong bao xinh xắn trong đó có tiền, là sẽ cất đi, dùng dần cho việc học tập và mua những thứ quà xinh xắn dùng trong năm. Người già thì dùng tiền đó như một khoản tích lũy, phòng những lúc sức khỏe không tốt.
Đi chùa vào năm mới (hatsumoude): Mong ước năm mới sẽ được an khang, thịnh vượng, có nhiều sức khỏe và phát tài phát lộc, người Nhật Bản thường đi chùa vào những ngày đầu năm. Người ta sẽ tới ngôi chùa nằm ở hướng được cho là hướng tốt của năm đó.Trước khi đi lễ phải rửa tay và súc miệng sạch sẽ. Tiền hương hoa dâng Phật là những đồng tiền họ tung vào hòm công đức đặt trước điện thờ. Người làm lễ sẽ chắp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần, rồi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy một lễ. Họ thường rút quẻ, nghe những lời “đọc quẻ” và lấy đó để chiêm nghiệm cho những ngày tới trong năm. Nếu có điềm dữ, họ sẽ nhận được lời khuyên và cách “chữa” để lại được may mắn. Hoặc họ mua một mũi tên thần nhằm cầu mong được thần Phật phù hộ độ trì một năm mới bình an, phát đạt. Người Nhật cũng có tục khai bút đầu xuân.
Chuẩn bị thiệp ghi lời cảm ơn:Vào cuối năm, người Nhật Bản thường chuẩn bị những chiếc thiệp tùy vào mục đích sử dụng, tùy vào đối tượng được tặng mà những chiếc thiệp đó sẽ trang trọng, dễ thương, nhiều màu sắc hay nhã nhặn… với mục đích tri ân, gửi thông điệp yêu thương tới những người sống xung quanh mình như: sếp, họ hàng, người thân, vợ chồng hay con cái…Những tấm bưu thiếp sẽ được gửi tặng vào ngày mùng 1, và rất được người nhận nâng niu, quý trọng.
-
Mồng 2 và các ngày tiếp theo
- Các hoạt động như viết thư pháp, võ, lễ hội trà đạo, ngắm hoa sẽ diễn ra, những ngày tiếp theo thì tùy theo mỗi gia đình, theo sở thích, kế hoạch riêng của họ, đi chơi hay đi du lịch ngắn ngày.
- Chơi những trò chơi dân gian:Đây là hoạt động được nhiều người tham gia và tỏ ra thích thú. Các trò chơi mà người Nhật Bản hay chơi vào dịp năm mới là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…
Ngày Tết là dịp để bạn bè, họ hàng, người thân được gặp nhau, đoàn tụ. Người Nhật thực hiện các cuộc thăm viếng đầu xuân. Họ tới chúc tết các cấp trên ở công ty mình, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng. Thông thường mỗi nhà sẽ để một cuốn sổ kèm bút trước cổng để khách đến chúc tết ghi lại tên hoặc lưu danh thiếp lại thông báo đã tới thăm nhà. Hoặc có nhiều người khách sẽ mang theo nhiều khăn tay nhỏ đề tên mình để tặng chủ nhà làm kỷ niệm
Người Nhật đón Tết như vậy đấy, rất thú vị phải không các bạn. Còn rất nhiều các lễ nghi, văn hóa và hoạt động khác trong ngày Tết của người Nhật nữa. Nếu bạn muốn trải nghiệm chân thật nhất một cái Tết Tây bên Nhật thì năm sau nhớ ghé một chuyến tới đất nước hoa Anh Đào để mục sở thị nhé!