Mặc dù đi du học một mình ở đất nước Hàn Quốc, nhưng mỗi sáng mai thức dậy tôi vẫn luôn mỉm cười và tự nhủ rằng, hôm nay mình sẽ gặp những ai, sẽ đi đâu, làm gì? Vì với tôi, đi du học không chỉ là để học mà còn để có những trải nghiệm tuyệt vời.

Trải nghiệm cuộc sống tự lập mới biết quý trọng gia đình nhường nào

Đối với tôi hay cả những bạn du học sinh khác, điều mà chúng mình phải đối diện lớn nhất là nỗi nhớ nhà sâu thẳm, nhất là trong những dịp lễ, Tết, nỗi nhớ quê hương lại càng nhiều hơn, lúc nào cũng có một cảm giác trống vắng. Nhiều hôm, mọi người trong gia đình tụ tập ăn uống, nhìn thấy mọi người vui vẻ như vậy mà không biết nước mắt tôi cứ lăn dài trên má. Có lẽ, với một đứa con trai mạnh mẽ như tôi cũng chẳng thể nào kìm nén được cảm xúc của mình mỗi khi nhớ về gia đình. Những lúc như thế này, tôi chỉ biết gọi điện về và nhìn bố mẹ qua màn hình điện thoại để có thể vơi đi nỗi buồn.

Trải nghiệm cuộc sống tự lập mới biết quý trọng gia đình nhường nào

Tôi còn nhớ những ngày tháng năm 18 tuổi của mình, với một đứa mới lớn, lại là con trai nên tôi không thể nào chịu nổi sự càm ràm của bố mẹ khi ở nhà. Không hiểu sao, từ bao giờ tôi lại muốn rời xa gia đình mình bất cứ lúc nào. Những tháng ngày đó, tôi rủ bạn bè tụ tập, trà chanh, chém gió suốt ngày chỉ vì không muốn nghe giọng nói của bố mẹ. Mãi sau này đi du học tôi mới nhận ra, rời xa vòng tay gia đình là bao bão tố, một mình tôi phải đối mặt với nó. Lúc này, muốn ở gần bố mẹ nhiều hơn có lẽ cũng đã muộn. Đấy cũng chính là một trong những lý do tôi quyết định đi du học, tôi muốn được bay nhảy, muốn làm những điều mình thích. "Tuổi trẻ, ai mà chẳng có những sai lầm, đúng không các bạn?”

Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ, cuộc sống tự lập lại khó khăn đến như vậy. Những việc trước kia tôi không bao giờ phải đụng đến thì ngay những ngày đầu tiên đi du học tôi đã phải mày mò, làm hết tất cả mọi thứ. Sẽ chẳng còn những bữa cơm mẹ nấu sẵn, chiếc bàn lung lay bố cũng không thể bay sang đóng lại cho mình, không còn những câu nói càm ràm mỗi khi tôi lười học, mọi sinh hoạt hoàn toàn chỉ có một mình tự làm. Nhiều khi mệt mỏi, stress cũng chẳng có ai bên cạnh để nũng nịu, than vãn mà chỉ biết khóc một trận rồi mạnh mẽ đứng dậy như chưa từng xảy ra chuyện gì? Lần đầu tiên cầm số tiền trên tay, tôi phải học cách suy nghĩ chi tiêu như thế nào cho hợp lý, bởi một mình ở Hàn Quốc chẳng biết nhờ vả vào ai. Và tất nhiên, đa số các bạn du học sinh khác như tôi đều phải đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Đấy là những gì tôi đã một mình trải qua suốt mấy tháng đầu đi du học, nó khiến tôi nhận ra tình thương và tình thân nó quan trọng đến mức như thế nào. Tôi bắt đầu dành thời gian cho gia đình nhiều hơn là những thứ vô bổ khác. Mỗi ngày tôi đều liên lạc với bố mẹ, kể cho bố mẹ nghe những gì tuyệt vời nhất ở Hàn Quốc, nếu không bố mẹ sẽ lo lắng cho tôi biết nhường nào. Nhưng, cũng chính cuộc sống tự lập khó khăn này, tôi mới thấy mình trưởng thành hơn  từng ngày.

Văn hóa mới lạ du học sinh nào cũng cần biết

Ngoài những tiết học trên lớp, những giờ làm thêm, tôi luôn dành thời gian cho những điều mới lạ tại Hàn Quốc. Bằng những trải nghiệm thực tế nhất, tôi nhận ra ở đây có một nền văn hóa đa dạng và cuộc sống năng động hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Văn hóa hiếu học là sự cần thiết

Ngoài những lý thuyết và thực hành trên trường, tôi cũng có thể học được nhiều hơn từ bạn bè quốc tế, đặc biệt là từ chính các bạn sinh viên Hàn Quốc. Tôi đã từng được nghe các bạn sinh viên ở Việt Nam kể lại rằng, đôi khi lên lớp đối với các bạn chỉ là để điểm danh, lịch học thể tự chọn, những buổi mưa, nắng không có tâm trạng cũng có thể nghỉ. Nhưng, sinh viên Hàn Quốc lại rất khác, những chuyện này sẽ không bao giờ tồn lại. Họ sẽ chẳng bỏ một tiết học nào vì việc học ở đây rất quan trọng.

Nghề giáo tại Hàn Quốc là một nghề vô cùng trân quý, văn hóa như tôn sư trọng đạo luôn được mọi người coi trọng. Và, để tôn trọng giáo viên, những bạn học sinh, sinh viên tại Hàn sẽ lên lớp học một cách nghiêm túc nhất, không bao giờ có ý nghĩ trốn tiết. Thật may, tôi đã quen dần với những việc như vậy và trong suốt những năm tháng du học, tôi chưa hề bỏ một buổi học nào vì lý do cá nhân và cũng thay đổi được suy nghĩ của một số bạn tại Việt Nam nếu như các bạn muốn “cup” học.

Đường phố không một bóng rác

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Hàn Quốc của một chàng trai Việt Nam như tôi là đường phố của họ không có một bóng rác, bất kể đó là ở đâu, khu trung tâm, tàu điện ngầm hay khu chợ truyền thống cũng đều như vậy, mặc dù lúc nào trên đường cũng tấp nập và đông đúc người qua lại. Sau đó tôi có tìm hiểu thì biết được Chính phủ Hàn Quốc đã có những quy định về thu gom và phân loại rác. Và tất nhiên ai cũng phải làm theo vì camera an ninh đã được gắn sẵn ở mọi nơi, bạn không thể nào có cơ hội vứt rác ra đường, nếu không cái giá phải trả là rất đắt. Do vậy, ý thức của mọi người Hàn Quốc rất cao.

Đường phố không một bóng rác

Có lần mình đi chơi ở khu trung tâm, cứ 30 phút sẽ có một lần thông báo yêu cầu khách hàng không được vứt rác bừa bãi mà phải phân loại và vứt đúng nơi đã quy định để môi trường sạch và đẹp hơn. Chính vì vậy, không khí Hàn Quốc luôn trong lành, một phần là do ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, còn phần là do Hàn Quốc có rất nhiều cây xanh, bóng mát. Trước kia khi tôi ở Việt Nam, việc này không được thực hiện một cách nghiêm túc. Chẳng cần biết thùng rác xa hay gần, mọi người chỉ cần “ném” ra đường vì cho rằng đã có nhân viên dọn rác.

Tôi thích nghi với văn hóa ẩm thực nhanh chóng

Là con trai, nhưng dạ dày của tôi lại khá yếu. Đấy có lẽ cũng là điều mà bố mẹ lo lắng nhất ở tôi. Bụng yếu, bố mẹ sợ tôi sẽ nhịn bữa, sợ tôi ăn uống không hợp rồi đau bụng, đau dạ dày. Cho nên, trước khi đi du học, bố mẹ đã chuẩn bị cho tôi rất nhiều loại thuốc để bỏ vào vali. Bình thường ở nhà sẽ được bố mẹ nấu ăn sẵn, sang Hàn Quốc thời gian đầu tôi phải đi ăn bên ngoài nhiều. Thật may, tôi lại khá thích hợp với những món ăn ở đây. Tôi nhớ có lần ăn tận 2 suất tokboki, và nhiều món khác nữa. Tuy nhiên, ăn ngoài nhiều khá tốn tiền, cho nên tôi đã quyết tâm tự học cách nấu ăn để tiết kiệm một khoản. Đến bay giờ, trình độ tay nghề nấu ăn của tôi đã lên rất nhiều, bố mẹ tôi vẫn thường trêu “sắp lấy vợ được rồi.” Với những bạn chưa thể nào thích nghi được với văn hóa ẩm thực Hàn Quốc từ khi sang thì cũng yên tâm, vì bất cứ nơi đâu cũng đều có những cửa hàng ẩm thưc Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.

Tôi thích nghi với văn hóa ẩm thực nhanh chóng

Những trải nghiệm quý giá từ lao động

Hầu hết những bạn du học sinh như tôi đều phải trải qua những qua những ngày tháng tất bật vói công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Lần đầu tiên chính bản thân mình kiếm ra được tiền mới thấy nó quý giá như thế nào. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, tôi thấy hối hận về những lần đã tiêu sài hoang phí ở Việt Nam, mà lúc đấy là tiền của bố mẹ. Giờ thì tôi đã thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ khi phải làm việc không ngừng nghỉ để có tiền nuôi chị em chúng tôi.

Trước khi tôi được nhận vào làm tại một công ty công nghệ thông tin lớn bên Hàn, tôi cũng đã từng phải bưng bê cả trăm tô phở trong suốt một buổi làm. Cứ tưởng tượng, mỗi khi tan ca về đến phòng, chỉ cần đặt lưng xuống giường là có thể ngủ ngay được. Hay có những hôm chân tay rã rời, mãi mới có thể về được đến phòng, nghĩ lại, thời gian đấy mình hơn cả siêu nhân.

Bận rộn, vất vả nhưng ý chí của một đứa con trai có khát vọng lớn không cho tôi được phép gục ngã. Dù là làm công việc gì, ở nơi đâu tại Hàn Quốc, tôi cũng luôn được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Những gì tôi học được còn quý hơn cả số tiền tôi nhận, tình cảm mọi người dành cho tôi, tôi lại càng thêm niềm tin về sự tốt bụng của những người lạ xung quanh mình. Tôi cảm thấy bản thân thật may mắn vì mình đã vượt lên được chính mình và nắm bắt những cơ hội ngay trước mắt, để ngày hôm nay, tôi có thể dám nói to với những người xung quanh mình rằng: “Hãy đi du học nếu có cơ hội, đừng sợ bất cứ điều gì cả.

DU HỌC TÍN PHÁT