Sau một chuyến bay dài, bạn đặt chân xuống một vùng đất lạ hoắc, bạn cùng cái vali của mình được chở thẳng đến ký túc xá (hoặc với một số bạn là nhà thuê). Bước vào căn phòng bé xíu, bạn ngồi xuống với cảm giác hồi hộp, hưng phấn và hoang mang. Nếu như bạn chưa biết phải làm gì, thì bài viết này sẽ gợi ý chính xác những việc bạn nên làm vào ngày đầu tiên bước đến nước Nhật.

1. Cất ngay tiền và giấy tờ một cách cẩn thận
Trước khi quan tâm đến việc dọn bất cứ cái gì ra khỏi vali, bạn cần tìm 1 chỗ an toàn trong phòng để cất tiền và giấy tờ đi đã. Tốt nhất là tìm một cái ngăn kéo, không thì bạn có thể dọn đồ ra khỏi vali, để tiền và giấy tờ vào rồi khoá vali lại. Lần đầu sống một mình, tuyệt đối không để tiền và giấy tờ lung tung, mỗi nơi một thứ mà phải cất hết vào một chỗ an toàn. 
2. Kết nối với mạng internet
Bạn nên hỏi chủ nhà khi họ đưa chìa khoá cho bạn, hỏi những người cùng nhà nếu họ đã ở đó từ trước, hoặc tìm thông tin kết nối internet (thường ghi trong một tờ giấy note có sẵn) trong phòng ký túc xá. Nhắn tin về Việt Nam thông báo bạn đã đến nơi an toàn. Dù có muốn đến mấy cũng nên tránh gọi điện về khóc lóc ỉ ôi vì cảm giác choáng ngợp ban đầu.
3. Ghi lại địa chỉ nhà
Việc tiếp theo là bạn ghi lại ngay địa chỉ chính xác, số điện thoại (nếu có) và post code (mã hòm thư) của nơi bạn ở. Thời gian đầu có thể ghi vào giấy nhớ dán lên tường cũng được. Sau đó bạn mở google map, dò post code nhà mình và xem xung quanh bản đồ để biết sơ lược về khu mình ở, xác định siêu thị, bến tàu xe... gần mình nhất nhé. Đi ra ngoài nhớ mang theo giấy tờ tuỳ thân: Hộ chiếu, thẻ ngoài kiều, thẻ học sinh. Tất cả những điều này nhằm mục đích có lạc còn biết nơi để về hoặc ít ra người thân quen có thể tìm bạn ở đâu.
4. Xác định các địa điểm hỗ trợ
Thường lúc này các nhân viên công ty tư vấn, hoặc trường sẽ hỗ trợ hoặc chỗ trọ có người Việt thì bạn hỏi tham khảo như là: đăng ký thẻ sinh viên, địa chỉ, bảo hiểm, y tế, sim, ngân hàng,... (thẻ sinh viên thường là trường cấp ngay).
Nhà trường dặn cái gì phải nhớ mà ghi lại nhé, đặc biệt là ngày khai giảng, Thời khoá biểu, hạn chót nộp giấy tờ, lớp học, những vật dụng cần mang...
5. Ra ngân hàng làm thẻ
Hãy tìm một ngân hàng phổ biến được nhiều sinh viên của trường tin dùng, nên hỏi mọi người trước khi làm nhé. Mới đầu sang mọi người nên đi làm thẻ bưu điện (yucho) vì nó dễ làm nhiều chỗ không cần phiên dịch. Còn những ngân hàng khác thì phải có giáo viên nhà trường hỗ trợ, vì các bạn sẽ không làm được vì là có nhiều bạn du học sinh sang Nhật đi làm quá giờ nhiều nên làm thẻ ngân hàng cũng khó hơn. Qua Nhật 6 tháng mới làm được thẻ.
6. Đi siêu thị mua đồ
Xác định siêu thị shop 100yen hoặc cửa hàng gần nhà bạn nhất để đi mua đồ ăn thức uống cùng những đồ đạc sinh hoạt cần thiết, còn nếu hành lý của bạn đã có những thứ đó rồi thì thôi. Lưu ý chỉ mua những thứ tối quan trọng phải dùng luôn, còn những thứ chưa cần ngay như dụng cụ học tập, đồ đạc trong nhà... đừng mua vội vì rất có thể vài hôm nữa bạn sẽ tìm được chỗ bán rẻ hơn.
7. Phải thật bình tĩnh, tiết chế cảm xúc
Cái này phụ thuộc rất nhiều vào tính cách từng người. Nếu bạn là người thích sôi nổi, rất có thể bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy mình trong một party làm quen của cả ký túc xá chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bạn nhận phòng và đời sinh viên bắt đầu từ đó. Nhưng nếu bạn khép kín hay nhút nhát hơn, không nhất thiết phải tự ép mình tham gia vào những tình huống tập thể vội nhé.
Các anh chị senpai thường sẽ rất bận, vì là du học tự túc. Nên nếu có vấn đề gì muốn nhờ vả thì lựa lựa thời gian senpai rảnh để nhờ giúp đỡ nếu không muốn vừa làm mất việc của họ còn mình thì sẽ không nhờ được lần sau nữa.

Cuối cùng, hãy thật bình tĩnh trong mọi trường hợp, đừng buồn hay khóc lóc khi nhớ nhà nhé, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Chúc các bạn vững vàng trên hành trình du học sắp tới.
Theo AnhBạnThânNhậtBản